Bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính COPD như “sát thủ vô hình” luôn diễn biến âm thầm, mặc dù chưa thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng vẫn có thể kiểm soát bệnh.
Tìm hiểu chung về bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính
Bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính (COPD) là căn bệnh xảy ra khi niêm mạc đường thở bị viêm mạn tính, dẫn đến suy giảm chức năng thông khí ở phổi. Phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) bao gồm 2 loại:
- Viêm phế quản mãn tính tắc nghẽn luồng khí.
- Khí phế thũng.
Theo thống kê, trên toàn thế giới, COPD ảnh hưởng đến 64 triệu người, gây ra 3,2 triệu ca tử vong 2015 và được dự kiến sẽ tăng cao đến năm 2030. Cần biết rằng tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong khi mắc COPD sẽ tăng theo độ tuổi.
Nguyên nhân gây nên căn bệnh này
Theo nghiên cứu thống kê của các nhà khoa học thì có 2 nguyên nhân chính gây bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính COPD:
Phơi nhiễm hít vào
- Khói thuốc lá là nguyên nhân chính ở hầu hết các quốc gia, mặc dù chỉ có khoảng 15% số người hút thuốc có triệu chứng lâm sàng COPD.
- Khói trong quá trình nấu ăn trong nhà và sưởi ấm cũng có thể gây bệnh, đặc biệt ở các nước đang phát triển.
- Trọng lượng cơ thể thấp, rối loạn hô hấp khi còn nhỏ, và hút thuốc lá thụ động cũng gây bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính.
- Ô nhiễm không khí, bụi nghề nghiệp hoặc hít phải các hóa chất góp phần tăng nguy cơ COPD.
Yếu tố di truyền
- Rối loạn di truyền gây bệnh thường gặp là do thiếu alpha-1 antitrypsin.
- Ngoài ra, có hơn 30 biến thể di truyền được tìm thấy có liên quan đến việc tăng nguy cơ COPD hoặc suy giảm chức năng phổi.
Các biến chứng thường gặp
Phản ứng viêm
Các nguyên nhân do phơi nhiễm đường hít có thể gây ra phản ứng viêm ở đường hô hấp và phế nang, đặc biệt ở những người dễ bị nhạy cảm. Ở những bệnh nhân bị tắc nghẹn phổi, bạch cầu trung tính được hoạt hóa và các tế bào viêm khác giải phóng proteases như một phần của quá trình viêm; hoạt tính protease vượt quá hoạt tính antiprotease, hậu quả là sự phá hủy mô liên kết và tăng tiết chất nhầy. Đáp ứng viêm ở COPD tăng lên theo mức độ phát triển của bệnh, và khi bệnh ở giai đoạn nặng, đáp ứng viêm vẫn không thể giải quyết hoàn toàn mặc dù đã ngừng hút thuốc.
Nhiễm trùng
Nhiễm trùng đường hô hấp ở bệnh nhân COPD có thể làm tăng tốc độ quá trình phá huỷ phổi. Vi khuẩn thường cư trú đường thở của khoảng 30% bệnh nhân bị COPD. Ngoài ra, hút thuốc lá và tắc nghẽn đường thở có thể dẫn đến suy giảm làm sạch chất nhầy ở đường hô hấp dưới, dẫn đến nhiễm trùng.
Hạn chế luồng không khí
Hẹp đường dẫn khí và tắc nghẽn sẽ làm tăng tiết chất nhầy, phù niêm mạc, co thắt phế quản, xơ dày thành đường thở, và tái cấu trúc các đường thở. Ngoài ra, vách phế nang bị phá hủy, làm giảm sự gắn kết nhu mô với đường thở, tạo điều kiện xẹp đường thở khi thở ra.
Biến chứng khác
Bên cạnh các biến chứng thường gặp ở trên, các biến chứng khác cũng có thể xảy ra như:
- Tăng áp động mạch phổi do thiếu oxy trong máu, nếu lan tỏa, sẽ gây ra tăng áp lực động mạch phổi và tâm phế mạn.
- Giảm cân cũng có thể xảy ra, giảm lượng kalo vào và tăng lưu hành các yếu tố hoại tử u (TNF)-pha.
- Các rối loạn như loãng xương, trầm cảm, lo âu, bệnh động mạch vành, ung thư phổi và các bệnh ung thư khác, teo cơ, trào ngược dạ dày thực quản.
Bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính sống được bao lâu theo từng giai đoạn
Thực tế, không phải cứ bị bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính là chúng ta không thể sống được lâu dài. Việc còn sống được bao lâu còn phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn bệnh.
Giai đoạn 1
Đây là giai đoạn nhẹ, các triệu chứng thường ít được để ý và nhận biết để đến gặp bác sĩ điều trị. Bạn có thể bị ho mạn tính, có khi kèm theo tăng sản xuất đờm, khi các triệu chứng này xuất hiện dai dẳng thì phổi đã bắt đầu bị tổn thương.
Trong trường hợp chú ý đến các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, tiếp xúc với các chất ô nhiễm,… và kịp thời đến gặp bác sĩ chẩn đoán, có biện pháp can thiệp sớm ngay từ giai đoạn này thì hiệu quả điều trị sẽ tăng cao và tiên lượng sống tốt. Thậm chí, tuổi thọ trung bình của người bệnh không bị ảnh hưởng đáng kể.
Giai đoạn 2
Ở giai đoạn này, các triệu chứng bệnh COPD bắt đầu gây ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường như ho có đờm nhiều hơn so với giai đoạn 1, khó thở, thở khò khè. Thông thường đây là giai đoạn mà nhiều người mới bắt đầu đi khám bệnh. Tiên lượng cho người bệnh COPD giai đoạn 2 vẫn không quá nghiêm trọng, nếu có biện pháp điều trị và thay đổi lối sống kịp thời thì cũng không giảm tuổi thọ đáng kể.
Giai đoạn 3
Giai đoạn 3, luồng khí vào và ra ở phổi ngày càng hạn chế, tình trạng khó thở sẽ nghiêm trọng, gây mệt mỏi kéo dài, chất lượng cuộc sống bị giảm sút. Khi này, người bệnh cần thường xuyên theo dõi chức năng phổi, bác sĩ sẽ đánh giá hiệu quả các thuốc điều trị để điều chỉnh cho phù hợp. Một nghiên cứu năm 2009, bệnh nhân nam 65 tuổi mắc COPD và vẫn còn hút thuốc bị giảm bớt 5-8 năm tuổi thọ.
Giai đoạn 4
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4 là giai đoạn cuối, giai đoạn rất nặng. Người bệnh khi này có các tổn thương không thể phục hồi ở phổi và lan rộng đến các khu vực trao đổi oxy. Cuối cùng, phổi sẽ không còn khả năng cung cấp đầy đủ oxy cho cơ thể. Bất cứ triệu chứng nghiêm trọng nào xuất hiện trong đợt cấp đều có thể khiến người bệnh phải nhập viện cấp cứu và nguy hiểm đến tính mạng.
Thông thường, tiên lượng cho bệnh nhân COPD giai đoạn cuối là cực kỳ xấu. Tỷ lệ tử vong được ước tính dựa trên số người bệnh được đưa vào phòng hồi sức cấp cứu do COPD là khoảng 24%. Tỷ lệ tử vong này có thể tăng gấp đôi nếu như bệnh nhân trên 65 tuổi.
Với các thông tin ở trên về bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính COPD mà My Auris đã cung cấp. hy vọng có thể giúp bạn theo dõi tình trạng sức khỏe tốt hơn. Nếu bạn có một trong các dấu hiệu trên, hãy đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Hãy nhớ rằng điều trị càng sớm thì chức năng phổi càng được bảo toàn hiệu quả, chất lượng cuộc sống cũng được duy trì tốt hơn.
Jane Nguyễn